Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Hà Bình - Huyện Hà Trung - Tỉnh Thanh Hóa

Phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã

Đăng lúc: 07:43:38 15/09/2023 (GMT+7)
100%
Print

Hà Bình: Các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị

 

          Trên địa bàn xã Hà Bình hiện có 3 di tích LSVH được xếp hạng cấp tỉnh đó là di tích LSVH Đình Phú Vinh; Nhà thờ họ Đinh và Chùa Ban Phúc. Những năm qua, Hà Bình luôn quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong xã.

1. Đình Phú Vinh

https://hatrung.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-09/6c85d46edc9aa2ad1.png

Đình Phú Vinh nằm ở thôn Phú Vinh ( nay là thôn Thịnh Vinh do thôn Phú Vinh và Thịnh Thôn sáp nhập), Đình quay mặt về hướng nam trên một thế đất rồng Chầu hổ phục, tạm thủy Giao Long, nằm ở phía  Đông Bắc của xã Hà Bình. Phía Bắc giáp sông Chiếu Bạch và xã Yên Dương, phía Đông giáp xã Hoạt Giang; phía Nam giáp thôn Xuân Áng và xã Hà Lai; phía Tây giáp Quốc lộ 1A.

Về lịch sử ngôi đình: Theo các cụ cao niên trong làng cho biết. Đình Phú Vinh được xây dựng từ thời Lê, trước đây vốn có xuất xứ từ một ngôi đình cổ hơn được lợp tranh và xây từ lâu không ai còn nhớ rõ. Đến cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn đời sống kinh tế của xóm làng khá giả, nhu cầu tín ngưỡng trong nhân dân càng cao, dân làng Phú Vinh mới xây dựng được ngôi đình gỗ và đến đầu năm 1983 thì bị phá hủy để sử dụng vào các mục đích khác của địa phương. Với lịch sử trên 200 năm tồn tại Đình Phú Vinh được xem là một trong những di tích lịch sử thể hiện nét văn hóa lâu đời của người dân Phú Vinh xưa. Năm 1990, đình được nhân dân trong làng Phú Vinh xây dựng lại gồm có 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Tiền đường dài 9m, rộng 4,7m, kết cầu vì kèo làm bằng bê tông cốt thép đơn giản. Hậu cung dài 3,9m, rộng 3,9m, vì kèo làm bằng gỗ xoan, không có trạm trổ. Đình được mở 3 cửa ra vào, trước đình có đôi rồng đá nằm trên lan can thềm bậc. mặt ngoài của đình , trên nóc được lắp hình lương long chầu nguyệt.

Nhìn chung, ngôi đình được xây dựng có kết cấu đơn giản nhưng giá trị lịch sử của ngôi đình ở chỗ nó là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã ở đây từ rất lâu đời. hàng năm ở làng có hai kỳ tế lễ vào ngày 11 tháng Gieng và ngày 11,12 tháng 6; ngày kỵ thánh Bà là ngày 20 tháng 02 Âm lịch. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong là một tài liệu quý để giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu giá trị lịch sử, tín ngưỡng của một vùng đất.

          Đình Phú Vinh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 04/02/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

2. Nhà thờ họ Đinh

https://hatrung.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-09/38d0c43e38083c6d2.png

Nhà thờ họ Đinh ở thôn Xuân Áng, xã Hà Bình là nơi thờ Đinh Kim Chung, một công thần có công bảo vệ nền Trung hưng và được các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng sắc phong với công lao là  “ dực bảo trung hưng linh phù tôn thần” cho phép giáp họ Đinh, xã Thiều Áng, phủ Hà Trung phụng thờ.

Đến di tích nhà thờ họ Đinh, từ thành phố Thanh Hóa, theo Quốc lộ 1A về phía Bắc qua cầu Lèn, đến trung tâm UBND huyện Hà Trung rẽ phải trên con đường làng, rẽ trái qua cầu Thiều Áng bắc qua sông Chiếu Bạch khoảng 500m là tới di tích.

Từ xưa đến nay, di tích có tên là nhà thờ họ Đinh hay còn gọi là nhà thờ giáp họ Đinh.

Về nhân vật lịch sử Đinh Kim Chung, hiện nay là nhà thờ họ Đinh còn lưu giữ một đạo sắc phong có nội dung như sau: “Sắc cho giáp họ Đinh, xã Thiều Áng, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là đã thờ vị tôn thần Đinh Kim Chung, một công thần có công bảo vệ nền Trung Hưng vị thần rất linh thiêng. Nay nhân dịp trầm mừng thọ tứ tuần đại khánh, ban chiếu gia ơn lẽ được tặng thêm trật phẩm cho thần.Vậy ban sắc phong cho vị tôn thần là Dực bảo Trung Hưng linh phù tôn thần và cho phép được phụng thờ thần như trước để vị thần bảo hộ cho dân chúng. Phải kính cẩn tuân theo sắc phong này.”

Từ đạo sắc phong trên chúng ta biết được Đinh Kim Chung là một danh tướng thời Lê- Mạc (1527-1592), đây là thời  kỳ mà các thế lực đối lập dựa vào ảnh hưởng của chế độ quân chủ và ý thức hệ nho giáo, lấy danh nghĩa khôi phục vương triều chính thống để nổi dậy khắp nơi. Từ năm 1533, các lực lượng này tập hợp ở Thanh Hóa dưới sự khởi xướng của Nguyễn Kim (1468-1545). Và điểm khởi đầu của chính quyền vua Lê, chúa Trịnh được đất nước đưa vào tình cảnh chia cắt kéo dài, hết Lê- Mạc phân tranh, lại đến Trinh Nguyễn phân liệt. Tại Làng Thiều Áng, Đinh Kim Chung đã tham gia vào quân đội của triều đình ở thời kỳ này và ông đã trở thành danh tướng có nhiều công lao.

Trong họ và nhân dân còn lưu truyền những câu chuyện nhỏ liên quan đến cụ. Đinh Kim Chung là người có tài văn võ, từng vâng mệnh đi đánh quân Mạc, lập được nhiều chiến tích, làm quan Quận công quản lý quân đội. Trong một lần giao tranh với quân Mạc khi đến núi Chẹt (nay thuộc huyện Quảng Xương), Đinh Kim Chung đã bị quân Mạc phục kích và ông đã hi sinh tại đây. Nhân dân địa phương quanh núi Chẹt ghi nhớ công lao vị công thần nên lập miếu thờ ông ở khu vực này.

Ngày nay, con cháu trong dòng họ Đinh làng Thiều Áng ( nay là Xuân Áng) coi Đinh Kim Chung không chỉ là người có công với lịch sử dân tộc dưới triều Lê Trung hưng được triều đình phong kiến phong sắc ghi công mà còn là vị tôn thần mở đầu của dòng họ Đinh đến mảnh đất Thiều Áng lập nghiệp.

Nhà thờ họ Đinh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 4079/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

3. Chùa Ban Phúc:  

https://hatrung.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2023-09/501ed2d0ee85512d3.png

Chùa Ban Phúc được xây dựng từ rất lâu, không xác định từ khi nào. Chùa tọa lạc trên diện tích 2436 m2 tại thôn Đông Trung.Trong chùa có nhà thờ Phật, nhà thờ tổ, thờ mẫu, di lặc, thờ địa tạng,  Dực sư và nhà giảng đường.

Năm 1995, chùa Ban Phúc được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Trước cách mạng tháng tám năm 1945, ngôi chùa này là nơi đi về hội họp, tuyên truyền của nhiều bậc tiền bối cách mạng như các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Huệ... Chùa Ban Phúc còn lưu giữ 24 pho tượng, có 02 pho tượng bằng đá. Các thế hệ trụ trì chùa đều tâm đắc, tu sửa chùa theo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Người dân Hà Bình rất tâm đắc với vế câu đối ở cổng chùa: “ Ban phúc Đông Trung danh thiên cổ”. Hiện nay chùa Ban Phúc đã được trùng tu tôn tạo khang trang, bề thế, mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ. ( Theo Lịch sử Đảng bộ xã (1946-2008) ).

Hán Thị Tâm- CCVH xã Hà Bình

  

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
14631