Lừa đảo trực tuyến, thủ đoạn diễn biến khôn lường
Lừa đảo trực tuyến: Thủ đoạn biến hóa khôn lường
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Do đó, 'cuộc chiến' phòng, chống lừa đảo trực tuyến cần tiếp tục có sự tham gia, góp sức của tất cả các bộ ngành liên quan như Bộ TT&TT, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ngăn chặn trên 2.400 website, tài khoản ứng dụng vi phạm pháp luật
Số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho thấy, trong tháng 9/2023, đơn vị này đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, bao gồm: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR. Cũng trong tháng 9/2023, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cũng đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến…
Trước đó, cũng theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác nhắm vào các nhóm đối tượng từ người cao tuổi, sinh viên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng đến trẻ em.
Tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng giúp người dân có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng. Ảnh minh họa
Chia sẻ tại cuộc họp báo tháng 10 của Bộ TT&TT, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Hiện nay tội phạm công nghệ cao đang có những diễn biến phức tạp, các hoạt động lừa đảo, xâm hại quyền riêng tư xảy ra với nhiều người dân, nhất là những người dân vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn và người lớn tuổi. Các đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn như dùng công nghê åDeepfake để thực hiện hành vi lừa đảo; sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc dùng các phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc; tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn; mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật…
Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đã được lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chú trọng triển khai. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên toàn quốc qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức, các đơn vị của Bộ Công an cùng Công an các địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh. Cùng với đó, lực lượng Công an cũng tổ chức tốt các công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật.
Trong tháng 9 vừa qua, lực lượng Công an đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT rà soát và ngăn chặn trên 2.400 website, tài khoản ứng dụng vi phạm pháp luật như các trang mạng hoạt động tổ chức đánh bạc, quảng cáo cờ bạc lô đề; trang mạng liên quan đến trò chơi có tính chất cờ bạc; website, tài khoản rao bán bằng cấp giả; những hội nhóm rao bán tài khoản cá nhân...
Ngoài ra, lực lượng Công an còn phối hợp chặt chẽ với NHNN để có giải pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; trong đó có việc bàn giải pháp làm thế nào ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật, ví dụ như tính đến giải pháp định ra một lượng tiền nào đó thì cần xác thực sinh trắc học.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống lừa đảo trực tuyến
Một trong những vấn đề khá nhức nhối hiện nay là tội phạm công nghệ cao thường sử dụng SIM rác và tài khoản ngân hàng không chính chủ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Do đó, các chuyên gia an toàn thông tin kiến nghị, cùng với việc chuẩn hóa thông tin thuê bao mà ngành TT&TT đang làm, NHNN cũng cần tăng cường các giải pháp nhằm loại bỏ các tài khoản không chính chủ ra khỏi hệ thống.
Thông tin về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Trước diễn biến phức tạp này, NHNN đã thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn các quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng; sửa đổi, bổ sung Quyết định 630 của NHNN về Kế hoạch áp dụng giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; cho phép tổ chức tín dụng áp dụng phương pháp sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền vượt ngưỡng nhất định.
Đặc biệt, hiện NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có kết nối và khai thác CSDLQG về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.
Kết quả triển khai cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; có 7 tổ chức tín dụng đang liên hệ để triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử; 5 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của CCCD phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng TKTT tại một số ngân hàng.
“Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để có phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động, góp phần phòng chống tội phạm mạng”- ông Tuyên cho hay.
Khẳng định lừa đảo trực tuyến đang trở thành vấn nạn chung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, qua trao đổi của các Bộ trưởng Thông tin ASEAN tại AMRI 16, có thể thấy rằng các nước khác trong khu vực cũng gặp các vấn đề tương tự như Việt Nam và đều có những phương án hành động giống như chúng ta.
“Sự có mặt của đại diện Bộ Công an, NHNN tại họp báo của Bộ TT&TT để trả lời các thắc mắc liên quan đến vấn nạn lừa đảo trực tuyến đã cho thấy đây là việc có nhiều bộ ngành tham gia, có chung trách nhiệm”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đồng thời ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nhằm giúp người dân có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng, biết cách phòng tránh các chiêu thức lừa đảo trực tuyến. Và để làm tốt điều này, rất cần sự chung tay lan tỏa của các cơ quan truyền thông, báo chí.
- Bài tuyên truyền tắt sóng mạng di động 2G
- Bài tuyên truyền dừng công nghệ di động 2G
- Lừa đảo trực tuyến, thủ đoạn diễn biến khôn lường
- Dấu hiệu nhận biết lừa đảo trong lĩnh vực Tài chính- ngân hàng
- Một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội
- Những lưu ý khi sử dụng ví điện tử
- 6 mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp
- Bài tuyên truyền cài đặt chữ ký số cá nhân
- Bài tuyên truyền xây dựng xã chuyển đổi số
- Hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2023